#INTERVIEW: “Quý ông Fintech” Christian Nguyễn và nỗ lực cải cách cuộc cách mạng số hóa tại Việt Nam

Làn sóng Fintech phát triển cũng là lúc thế giới xuất hiện thêm nhiều nhân tài. Và trên bản đồ Fintech Việt, có một người đàn ông đang ra sức nỗ lực trong cuộc cách mạng số hóa này để tạo ra những điều tốt đẹp cho cộng đồng, đó là Christian Nguyễn – Founder & CEO của Wee Digital.

Xin chào ông, được biết ông trở về Việt Nam hơn 15 năm nay với khát vọng khởi nghiệp ngành công nghệ tại quê nhà. Đến nay, ông nhận thấy lĩnh vực Fintech đang được đón nhận tại Việt Nam như thế nào? So với các nước trong khu vực, Fintech Việt đang đứng ở đâu?

Thực lòng mà nói, thị trường Fintech Việt Nam vẫn chưa thể sánh bằng với các nước trong khu vực. Ví dụ như Thái Lan là quốc gia có tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt lớn nhất ASEAN (chiếm 67%), một số công ty Fintech của họ không chỉ hoạt động mạnh trong nước mà đã hiện diện tại các nước láng giềng. Indonesia, Singapore, Malaysia cũng đi trước hơn chúng ta nhiều trong lĩnh vực Fintech. Dù đi sau và cần nhiều hoàn thiện, nhưng điều này cũng đem đến thuận lợi lớn là chúng ta có thể học hỏi, rút kinh nghiệm từ các quốc gia khác. Bên cạnh đó, việc chứng kiến Fintech phát triển mạnh mẽ ở nhiều nơi cũng hình thành nên sự mong đợi của nhiều người Việt, từ đó khiến họ dễ đón nhận khái niệm mới mẻ này hơn.

Dân số nước ta có tỷ lệ người trẻ cao, khát khao kiến thức, sẵn sàng học hỏi, luôn háo hức với những điều mới mẻ, có khả năng tiếp cận và thích nghi tốt với công nghệ. Người trẻ Việt cũng có tư duy kinh doanh tốt, có khát vọng tự lực kiếm sống, dẫn đến nhiều người chủ động khởi nghiệp. Công nghệ đem đến nhiều công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc kinh doanh, cạnh tranh của họ và họ không ngừng tìm kiếm các công nghệ mới để làm lợi thế cho việc khởi nghiệp. Bất cứ loại hình kinh doanh nào cũng sẽ liên quan đến tiền tệ, lưu thông tiền tệ và mức sống của người dân có quan hệ chặt chẽ với nhau, vì thế Fintech và sự chuyển đổi số của ngành tài chính ngân hàng đã, đang và sẽ phát triển nhanh chóng, tạo ra những đột phá trong thị trường, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Sự phát triển này tạo áp lực cho tất cả các ngành nghề cũng như nhà nước, làm sao phải đẩy nhanh các chính sách và hạ tầng để tạo môi trường tốt hơn cho chuyển đổi số.

Kiên trì theo đuổi đầu tư công nghệ và đặc biệt là Fintech nhiều năm qua, dù đã có những thành công nhất định nhưng với quá trình phát triển dài hơi này, có bao giờ ông cảm thấy “sốt ruột” không?

Nói một cách chính xác thì công ty Wee Digital chúng tôi theo đuổi việc phát triển các công nghệ sinh trắc học từ nhiều năm qua. Tôi cho rằng, trong vòng 5-10 năm nữa, mọi hoạt động của xã hội sẽ xoay quanh các công nghệ về sinh trắc học. Sinh trắc học sẽ được áp dụng vào khách sạn, giải trí, giao thông, an ninh, tài chính và rất nhiều ngành khác. Nhưng trước mắt, chúng tôi ưu tiên áp dụng vào tài chính ngân hàng, vì như tôi nói ở trên, bất cứ loại hình kinh doanh nào cũng sẽ liên quan đến tiền tệ, và đây là ngành có tác động thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế lớn nhất. Nên mọi người có thể gọi chúng tôi là chuyên gia về Fintech cũng đúng, hay gọi chúng tôi là chuyên gia về Nhân dạng số (Digital Identity) cũng đúng, hoặc cả hai.

Sinh trắc học, nhận dạng khuôn mặt là ngành công nghệ rất cao, xử lý những bài toán khó. Bài toán càng khó thì quá trình phát triển càng phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian. Thời gian để chờ đợi hạ tầng kỹ thuật của thế giới phát triển, như điện thoại thông minh, mạng 4G, 5G, điện toán đám mây, tốc độ xử lý chip, các lý thuyết phát triển thuật toán mới… Thời gian để mọi người, trong đó có cả nhà nước, các doanh nghiệp và đến từng người dân có thể học hỏi, áp dụng và sửa sai. Càng ở cấp độ vĩ mô, phạm vi ảnh hưởng càng lớn thì mức độ thận trọng phải càng cao.

Đó là lý do để chúng tôi, cũng như các doanh nghiệp Fintech nói riêng và doanh nghiệp công nghệ nói chung phải thật sự kiên nhẫn, chấp nhận đi chậm mà chắc chứ không thể vội vàng. Qua nhiều năm ở trong ngành, tôi tin rằng “không phải là bạn giỏi bao nhiêu, mà là bạn có thể kiên trì đến đâu”. Biết vậy nên tôi không cảm thấy “sốt ruột”. Không sốt ruột, nhưng trăn trở là có. Trăn trở mỗi ngày, chứ không phải tính bằng tháng hay bằng năm. Trăn trở để có thể lèo lái công ty đi đúng đường, trăn trở để sao cho sản phẩm của mình tốt nhất, đáp ứng trải nghiệm người dùng cao nhất.

Đến nay, được biết Wee Digital đã có được thành quả là đưa nền tảng thanh toán áp dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt lần đầu có mặt tại Việt Nam mang tên “Facepay” vào thực tế cuộc sống. Vậy niềm tin khi ông xây dựng nền tảng này là như thế nào?

Xã hội phát triển, công nghệ phát triển, bất kỳ ai cũng muốn có một cuộc sống được “cá nhân hóa” ở mức cao nhất, nghĩa là các dịch vụ, hàng hóa, sản phẩm đem đến cho mình phải đúng theo mong muốn của mình, như là được làm ra để cho riêng mình, không chỉ đáp ứng được về mặt vật chất mà còn phải nuông chiều được cảm xúc của mình. Vậy thì, khi mọi người mong muốn cá nhân hóa các trải nghiệm cuộc sống, điều đầu tiên họ phải cho nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ biết được họ là ai, biết được tuổi tác, giới tính, sở thích, mối quan tâm… để chuẩn bị các dịch vụ, hàng hóa mang tính cá nhân hóa cho họ. Vì thế mà sinh trắc học, nhân dạng số phát triển rất mạnh, như tôi đã nói, trong 5-10 năm nữa sẽ có mặt trong mọi hoạt động xã hội. Đây là niềm tin thứ nhất.       

Trong số các công nghệ sinh trắc học như vân tay, mống mắt, nhịp tim, mạch máu… thì nhận dạng khuôn mặt là công nghệ mà đối với người dùng cá nhân là dễ dùng nhất, tiện lợi nhất, tế nhị nhất, an toàn nhất, còn đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hàng hóa thì đây là công nghệ dễ ứng dụng, dễ nhân rộng quy mô và có chi phí rẻ nhất. Đây chính là niềm tin thứ hai của tôi.

Nền tảng thanh toán bằng khuôn mặt Facepay của chúng tôi ra đời dựa trên hai niềm tin như thế. Với Facepay, khuôn mặt của bạn chính là “mật khẩu” của bạn, nó mang tính “duy nhất”, không thể làm giả, không thể đánh cắp, luôn sẵn sàng để sử dụng và cũng là căn cứ để người ta mang đến cho bạn các trải nghiệm cuộc sống mang tính cá nhân hóa cao nhất. Với Facepay, mỗi khi cần thanh toán các khoản mua sắm, dịch vụ, bạn không phải đem tiền mặt, thẻ ngân hàng, hay điện thoại theo bên người, không phải quét mã QR, con người không phải lệ thuộc, vướng víu với thứ gì, thế thì theo tôi, đây là cách nâng niu, trân trọng, đề cao con người nhất rồi, đúng không?

Với niềm tin vào Facepay như vậy, ông kỳ vọng sự phát triển của nền tảng này ra sao?

Hiện nay,ngành bán lẻ đang phát triển với tốc độ nhanh và thói quen tiêu dùng của người dân cũng thay đổi rất nhiều. Cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống, siêu thị, nhà hàng lớn, quán ăn nhỏ đều muốn mang trải nghiệm mua sắm tốt nhất cho người tiêu dùng. “Số hóa” phương thức thanh toán là một trong những cách nâng cao những trải nghiệm đó, và nó cũng giúp các doanh nghiệp tiết kiệm nhân lực, chi phí. Ví dụ, ở một cửa hàng tiện lợi, sau mỗi ca, sẽ cần đến hai nhân viên để kiểm đếm, phân loại tiền mặt đến 30 phút, rồi đối soát, cất tiền, mang tiền ra ngân hàng để lại số hóa khoản tiền mặt đó. Nếu có số hóa thanh toán, có phải đỡ cho doanh nghiệp bao nhiêu việc không? Đối với ngân hàng, đó là sự minh bạch thông tin cho hệ thống giao dịch, cải thiện những rủi ro của vấn đề tiền giả và áp lực in tiền mới.

Đưa Facepay vào các thương hiệu cửa hàng tiện lợi lớn, tức là môi trường offline, là giai đoạn ứng dụng đầu tiên của công nghệ này nhằm hướng dẫn cách dùng, xây dựng lòng tin của người sử dụng cá nhân vào Facepay. Giai đoạn thứ hai sẽ là online, tức là đưa Facepay vào các nền tảng thương mại điện tử, từ những “ông lớn” như Tiki đến các shop nhỏ, bán hàng online. 

Nên nếu hỏi về kỳ vọng của mình, trước hết tôi cho rằng, dù tôi có làm dự án này hay không, tương lai của số hóa phương thức thanh toán, của công nghệ nhận dạng khuôn mặt vẫn sẽ diễn ra. Không cần cá nhân tôi, thế giới vẫn chuyển động. Điều quan trọng nhất là Wee Digital chúng tôi sớm có niềm tin vào tầm nhìn của mình, khởi đầu sớm, bắt nhịp sớm và bứt phá sớm để trở thành người tiên phong trong ngành này. Chúng tôi tự hào có thuật toán nhận dạng khuôn mặt tốt nhất, được các tập đoàn và ngân hàng lớn tin dùng. Chúng tôi kỳ vọng, với Facepay, chúng tôi đang đến gần hơn với mỗi người dân Việt Nam, mang đến cho các doanh nghiệp và từng người kinh doanh nhỏ những cơ hội kinh doanh tốt hơn, mang đến sự thuận lợi cho các hoạt động cải cách khác trong xã hội.

Một doanh nhân tự mình khởi nghiệp không thể thiếu đội ngũ cộng sự nòng cốt kề vai sát cánh từ những ngày đầu. Sau nhiều năm, theo ông yếu tố để quyết định sự gắn bó của họ đến từ bản thân ông là nhà sáng lập hay từ định hướng của doanh nghiệp?

Tôi tin rằng, yếu tố để quyết định sự gắn bó của họ với tôi là bản thân tôi, chứ không phải từ định hướng, tiềm năng hay triển vọng của doanh nghiệp. Vì rằng 15 năm qua, từ khi về nước khởi nghiệp, tôi đã làm nhiều dự án, sản phẩm khác nhau, được công nhận, được doanh nghiệp lớn sử dụng, được mua lại, và những điều đó hình thành nên niềm tin của cộng sự dành cho tôi. Ngẫm nghĩ lại thì những người sát cánh với tôi từ những ngày đầu đã cùng tôi kinh qua nhiều doanh nghiệp. Thứ nhất là vì họ tin vào năng lực của tôi, như tôi vừa nói. Thứ hai, về mặt tư cách, tôi là mẫu người thiên về tình cảm và sống có nghĩa tình với anh em. Trong 15 năm đó, những anh em nòng cốt kiên trì đồng hành liên tục với tôi vì họ tin vào tầm nhìn, trách nhiệm và  tình cảm của tôi. Thậm chí, họ còn đặt niềm tin vào tôi hơn cả anh em ruột thịt, và tôi cũng tin tưởng họ tuyệt đối. Từ niềm tin của bộ khung nòng cốt đó, sự tin tưởng trong đội ngũ tiếp tục được lan tỏa, truyền đến những lớp nhân viên sau này càng ngày càng nhiều hơn.

Dựa trên nền tảng của sự tin tưởng đó, phong cách lãnh đạo và điều hành ông đang áp dụng tại công ty của mình là như thế nào?

Tôi không thể xử lý 100 đầu việc, mà việc của tôi là quản lý 100 con người, và để cho mỗi người xử lý một đầu việc của họ. Để 100 con người với 100 cá tính khác nhau đó có thể làm việc được với nhau một cách hòa hợp, tạo ra được những sản phẩm tốt nhất, vấn đề cốt lõi chính là sự tin tưởng. Tôi tin tưởng trao quyền cho đội ngũ quản lý nòng cốt, rồi họ tiếp tục tin tưởng những người dưới quyền, trao quyền cho nhân viên theo năng lực của từng người để hoàn tất công việc.

Không phải nhân sự nào cũng có thể thích nghi và gắn bó với công ty, vì thế khi đã tìm được người thích hợp để đồng hành lâu dài, tất cả những gì cần làm là tin tưởng lẫn nhau để tiến về mục đích chung với niềm tin đó. Với tư cách là người đứng đầu, trách nhiệm của tôi là phải hiểu được kỹ năng của nhân viên, họ có thể làm đến đâu và liệu có đạt được mong đợi mà tôi kỳ vọng cho họ hay không. Nếu có một nhân viên trong đội ngũ làm sai, thì đó là lỗi của tôi và tôi phải chịu trách nhiệm cho sự thất bại ấy vì chính tôi đã chọn và tin tưởng họ. Lãnh đạo không phải là chỉ đạo, mà là hỗ trợ đội ngũ của mình có cơ hội nhận ra và phát huy các kỹ năng sẵn có. Trong sự hỗ trợ đó, tôi cũng không ngần ngại nếu cần “cầm tay chỉ việc” cho nhân sự để mong họ ngày một tự tin hơn, không còn lặp lại lỗi sai. Ai cũng phải học hỏi để nâng cao đúng không, và tôi sẵn sàng cho nhân viên cơ hội học hỏi và cải thiện, ngay cả chính tôi cũng vậy. Đó chính là phong cách lãnh đạo và điều hành của tôi không hề thay đổi suốt những năm qua.

Việc ông dành cho đội ngũ nhiều tình cảm có thể tạo mối quan hệ bền lâu, nhưng đôi khi có những tình huống khó phân định giữa “tình” và “lý”. Ông xây dựng “văn hóa doanh nghiệp” của công ty mình như thế nào để tránh được điều này, đảm bảo phát triển chuyên nghiệp và bền vững?

Tôi xây dựng Wee Digital không chỉ là một công ty đơn thuần để mọi người đến làm việc hưởng lương rồi về, mà hơn thế đó là một “môi trường sống” trù phú nơi mọi thành viên đều có thể gieo được những hạt giống năng lực và chăm tưới cho chúng nảy nầm tươi tốt, phát triển vững vàng mỗi ngày. Tôi thường nói với nhân viên của mình rằng, đừng đi làm như một sự trao đổi giữa tiền bạc và thời gian với công ty của mình, nghĩa là công ty trả lương cho bạn và bạn trả lại bằng thời gian làm việc. Sự sòng phẳng và rạch ròi đó không thể giúp chúng ta đi cùng và sẵn sàng hỗ trợ nhau lâu dài. Tôi mong tất cả các thành viên Wee Digital sẽ xem nơi đây như một gia đình thứ hai của họ, mỗi người có nhiệm vụ xây dựng gia đình ấy qua sự cảm thông, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau.

Như chia sẻ ở phần đầu, ông xác định mình phải thật kiên nhẫn khi dấn thân vào ngành này, nhưng ông làm thế nào để đội ngũ cũng đồng cảm với sự kiên nhẫn đó?

Sự kiên nhẫn không phải là điều ta có thể chứng minh một sớm một chiều, mà nó sẽ được thể hiện qua tầm nhìn của người đứng đầu ngày qua ngày. Giải pháp để nhận được sự thấu hiểu và đồng tình từ đội ngũ của tôi là thường xuyên chia sẻ với họ về những lý do tại sao chúng tôi phải kiên nhẫn. Bên cạnh đó, tôi cũng cho họ thấy những thành quả đạt được từ định hướng mà tôi đưa ra để củng cố niềm tin cho họ.

Chúng ta không thể biết trước việc gì sẽ xảy ra, nhưng tôi tin bản lĩnh và tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm với mọi quyết định của tôi đã thuyết phục được đội ngũ. Tôi luôn đặt ra cho mình nhiều câu hỏi để tự nhắc nhở và điều chỉnh mình mỗi ngày, rằng “liệu tôi có đang làm đúng không?”, “làm thế nào để tôi có thể đi nhanh hơn?”, “làm thế nào để đi đến đích mà không cần quay lại?”… Nhưng cho dù câu trả lời là như thế nào, tôi vẫn bước tiếp để không phụ lòng những người đồng hành đã tin tưởng tôi. Bởi công nghệ luôn phát triển và chúng ta luôn có những giải pháp cải thiện tốt hơn, vậy nên tôi không có lý do gì để mất niềm tin và ngừng lại. Chỉ cần tôi biết rõ mục đích cuối cùng của mình và kiên định trên đường đi, cộng sự và đội ngũ của tôi cũng sẽ như thế.

#LetterBox:

Dành riêng cho phụ nữ!

Nếu bạn từng có ý tưởng mong muốn góp phần làm cho cuộc sống của hàng triệu người khác tốt lên mỗi ngày, xin đừng chỉ để nó trong tim, hãy xây dựng nó, lên cách thức thực hiện và biến nó thành hiện thực. Hãy là người mơ mộng, hãy mơ ước “lớn lao”, nhưng cũng phải có kế hoạch nhé, vì ước mơ mà không có kế hoạch thì mãi mãi cũng chỉ là ước mơ mà thôi. Và, hãy nhớ 3 điều này nữa:

#1. Nếu bạn có cơ hội làm những điều tuyệt vời cho đời, hãy luôn bên cạnh một ai đó!

#2. Niềm tin là ưu tiên hàng đầu của bạn, chứ không phải sản phẩm

#3. Chân thành quan tâm đến những người đồng hành cùng bạn

“Nếu bạn muốn cảm thấy hạnh phúc, hãy làm điều gì đó cho chính mình. Nếu bạn muốn cảm thấy viên mãn, hãy làm điều gì đó cho người khác.”

Christian Nguyễn

Bên cạnh những thành công, con đường xây dựng sự nghiệp của một doanh nhân có lẽ không thiếu những thất bại. Ông đã trải qua và đứng lên như thế nào để không thoái chí nản lòng?

Thật sự tôi vẫn thất bại mỗi ngày đấy (cười). Sau mỗi thất bại, tôi vẫn học hỏi và hiểu rằng có những thứ không phải mình mong muốn là sẽ đạt được. Nhưng trên quãng đường đã qua, tôi không bao giờ cho mình một lựa chọn nào có tên là “bỏ cuộc”. Tôi không cho phép bản thân thỏa hiệp khi đối mặt với bất cứ khó khăn nào. Trong triết lý của tôi, trở thành một doanh nhân và đứng vị trí cao nhất trong doanh nghiệp, nghĩa là bạn sẽ là người có nhiều tâm tư nhất, cô đơn nhất, lo toan nhất, nhưng cũng giàu lý tưởng nhất. Và trên hết, bạn là người không bao giờ được phép bỏ cuộc, mọi người có thể rời đi nhưng bạn vẫn luôn đứng đó, bảo tồn lý tưởng mình theo đuổi. Bởi thế, tôi luôn trong tâm thế phải giữ lời hứa với những gì tôi đã cam kết với bản thân mình. Lời hứa với chính bản thân luôn là lời hứa khó giữ nhất. Giữ lời hứa với bản thân là động lực để tôi đứng lên và bước tiếp cho dù gặp thất bại nào.

Theo ông, phụ nữ có cơ hội như thế nào trong ngành Fintech? Ông nhận thấy họ có những điểm mạnh và điểm yếu nào trong ngành này?

Phụ nữ luôn thích hợp với mọi ngành nghề, chỉ là ngay từ đầu họ không được định hướng vào lĩnh vực công nghệ có phần khô khan này nên dẫn đến số lượng nữ giới là lập trình viên cũng trở nên khan hiếm, gây mất cân bằng giới tính trong ngành. Nhưng thực tế vẫn có nhiều lập trình viên là nữ, thậm chí họ còn làm việc tốt hơn rất nhiều người khác giới bởi sở hữu sự tỉ mỉ và khả năng phân tích thấu đáo. Tại Wee Digital, chúng tôi hiện có khoảng 40% nhân sự là nữ, và tất cả họ đều làm tốt công việc của mình.

Tôi nghĩ phụ nữ chẳng hề có điểm yếu nào cả! Xét về năng lực, phụ nữ có khả năng đa nhiệm tuyệt vời, xử lý công việc mềm mỏng và linh hoạt, đồng thời vô cùng đồng cảm và thấu hiểu người khác. Nhưng có thể đến một thời điểm nhất định, khi có gia đình hay những mối bận tâm khác, họ sẽ thay đổi tư duy và thứ tự ưu tiên trong cuộc sống của họ cũng bị chi phối. Tôi nghĩ đó có lẽ là điểm yếu đáng kể nhất của họ.

Là một người làm trong ngành công nghệ vốn đòi hỏi tính logic cao, liệu ông có vô tình “máy móc hóa” cuộc sống của mình không?

Tôi nghĩ bản thân tôi là một người khá nguyên tắc và có những chuẩn mực nhất định trong cuộc sống. Tôi luôn dậy vào lúc 5 giờ sáng mỗi ngày, bất kể cuối tuần hay tối trước đó có mệt mỏi đến đâu. Tôi luôn tuân theo các quy trình do mình đặt ra một cách nề nếp và rất khó để tôi thay đổi. Điều đó đã trở thành thói quen và phong cách sống tuyệt đối của tôi. Nhưng tôi không cho rằng điều này là không đúng hay quá máy móc, bởi nếu bạn là một người thiếu kỷ luật, không có kỹ năng sắp xếp cuộc sống hợp lý và rõ ràng thì làm sao bạn có thể điều hành kinh doanh và quản lý hàng trăm người với tư cách là chủ doanh nghiệp?

Nhưng ông vẫn có sự linh hoạt chứ, thưa ông?

Dĩ nhiên là vẫn có rồi (cười). Tôi đặt sự linh hoạt của mình vào quá trình ra quyết định. Công việc mỗi ngày đều xuất hiện rất nhiều vấn đề, nên sự linh hoạt sẽ được ứng dụng để giải quyết chúng, nhưng “sống có nguyên tắc” chính là phương châm mang tính điểm tựa, là nền móng vững chắc để tôi có thể vận hành mọi thứ còn lại một cách trơn tru.

Cám ơn ông!

Bài viết và hình ảnh độc quyền của tạp chí Nữ Doanh Nhân

Text: JENNI VÕ, HỒNG ĐẶNG | Photo: THẠC TRƯỜNG GIANG 

Nguyen Van Nhi