CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH FINTECH - XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA THỊ TRƯỜNG

Ngành công nghiệp fintech ở Đông Nam Á tiếp tục có tốc độ phát triển vượt bậc so với các khu vực khác trên thế giới. Thời gian qua, do hạn chế của những đợt giãn cách bởi dịch COVID-19, thị trường fintech toàn cầu đã nhanh chóng phát triển và là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài.

Không nằm ngoài guồng quay phát triển của fintech toàn cầu, thị trường Việt Nam những năm trở lại đây chứng kiến sức phát triển mạnh mẽ, sâu rộng của lĩnh vực fintech ở nhiều lĩnh vực khác nhau. 

Fintech là gì?

Fintech là viết tắt của cụm từ Financial Technology (công nghệ tài chính), được sử dụng chung cho tất cả các công ty sử dụng internet, điện thoại di động, công nghệ điện toán đám mây và các phần mềm mã nguồn mở nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của hoạt động ngân hàng và đầu tư. Fintech chính là tên gọi của việc tận dụng những sáng tạo công nghệ trong các hoạt động và dịch vụ tài chính. 

Nói cách khác, fintech là những ứng dụng, quy trình, sản phẩm, mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, bao gồm một hay nhiều dịch vụ tài chính bổ sung và được cung cấp như một quy trình “từ đầu cuối tới đầu cuối” qua mạng internet. 

Lĩnh vực công nghệ tài chính này hiện đang cung cấp các dịch vụ trong nhiều lĩnh vực khác nhau như ngân hàng, thanh toán, quản lý tài chính, các loại tiền kỹ thuật số,... với các sản phẩm điển hình thường thấy trên thị trường như: Ví điện tử, thương mại trực tuyến B2C, mPOS, công nghệ sổ cái phân tán trên nền tảng blockchain. 

Thị trường Fintech tại Việt Nam

Thị trường fintech tại Việt Nam hiện đang có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, xếp sau Singapore. Theo số liệu phân tích từ Tập đoàn Robocash, thị trường fintech của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 18 tỷ USD vào năm 2024 với độ cạnh tranh cao. 

Các nhà phân tích cũng cho biết, có 93% các khoản đầu tư mạo hiểm trong nước hướng vào phân khúc ví điện từ và tiền điện tử. Kể từ giai đoạn năm 2016, tổng số công ty thuộc lĩnh vực fintech của Việt Nam tăng 84,5%. Lượng giao dịch tăng 152,8% kể từ năm 2016 với 29,5 triệu người dùng fintech mới. Điều này có nghĩa là, người Việt Nam sử dụng ít nhất một dịch vụ fintech mỗi giây. 

Nhiều ngân hàng thương mại đã và đang dần chuyển đổi, vận hành vào hệ thống ngân hàng số trên nền tảng công nghệ hiện đại như: Vietinbank, Agribank, TPBank,... nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ khách hàng nhanh chóng, thông suốt.  

Những sản phẩm fintech nổi bật tại thị trường Việt Nam

Tại thị trường Việt Nam hiện nay, ba lĩnh vực thuộc tài chính ngân hàng được fintech tác động nhiều nhất là thanh toán điện tử, cho vay tiêu dùng, quản lý tài chính cá nhân. 

Thanh toán điện tử 

Fintech giúp phát triển những dịch vụ tài chính hiện đại tạo thuận lợi cho khách hàng trong việc sử dụng dịch vụ ngân hàng hiện đại và hoàn toàn tiết kiệm được chi phí giao dịch. 

Thanh toán bằng điện thoại thông minh: Khách hàng khi đi mua sắm có thể thanh toán trực tuyến thông qua điện thoại thông minh với hình thức Internet Banking, Mobile Banking, ví điện tử,.... Dịch vụ này được liên kết theo một mô hình chặt chẽ từ các nhà cung cấp dịch vụ ngân hàng, nhà cung cấp viễn thông, hệ thống tiêu dùng và người tiêu dùng. Nghĩa là, từ app ngân hàng trên điện thoại, khách hàng có thể thanh toán trực tiếp mà không cần đến thẻ. 

Ngoài ra, áp dụng sinh trắc học vào dịch vụ thanh toán đang là xu hướng ở nhiều nước.

Thanh toán bằng sinh trắc học: Để sử dụng, người tiêu dùng cần có một tài khoản trên một dịch vụ trung gian và liên kết tài khoản với ngân hàng. Ví dụ: Facepay - phương thức thanh toán bằng khuôn mặt, người dùng sẽ liên kết tài khoản Facepay với các tài khoản ngân hàng khả dụng, khi thanh toán bằng phương thức này số tiền sẽ tự động được trừ vào tài khoản ngân hàng mà khách hàng đã liên kết. Với cách thức này, khách hàng sẽ không cần đến tiền mặt, thẻ hay điện thoại cũng đều thanh toán được. 

Thanh toán Facepay tại GS25

Hoạt động cho vay tiêu dùng

Các công ty tài chính không ngừng đầu tư vào mảng công nghệ số để giúp tối ưu trải nghiệm người dùng và quy trình cho vay. Ứng dụng fintech giúp cho quá trình trải nghiệm của người dùng diễn ra thông suốt hơn, thời gian phê duyệt khoản vay từ các công ty tài chính ngày càng nhanh chóng khi đã tích hợp nhiều nguồn thông tin từ Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC), danh sách tín dụng đen, lịch sử mua hàng,... 

Khách hàng có nhu cầu vay có thể tự chủ động đề nghị vay trên app và cung cấp thông tin vay tại bất cứ đâu vào mọi thời điểm thay vì vẫn phụ thuộc vào giờ làm việc của nhân viên giống như phương thức cho vay truyền thống.

Ứng dụng cho vay FE Credit

Dịch vụ tài chính cá nhân 

Một trong những dịch vụ mà các công ty fintech đang cung cấp là khả năng tư vấn, so sánh lãi suất tiền gửi, tiền vay của tất cả các ngân hàng đang hoạt động với nhau. Từ những so sánh này, người dùng sẽ không còn mất nhiều thời gian để lựa chọn ngân hàng cung cấp dịch vụ và có thể đặt lịch tư vấn trực tiếp với ngân hàng qua các ứng dụng như: Timo, Money Lover, Money Manager,... 

Một trong những yếu tố quan trọng tác động đến sự phát triển của fintech Việt Nam là tác động từ các chính sách của Chính phủ trong ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực tài chính, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cho các dịch vụ công. Điều này có tác động tích cực tới toàn xã hội và thúc đẩy thanh toán bùng nổ, là cơ hội rộng mở để fintech phát triển nhanh hơn.  

Nguồn tham khảo: 

https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/156804/Thi-truong-fintech-Viet-Nam-se-dat-muc-18-ty-USD-vao-nam-2024.html

https://insight.isb.edu.vn/cong-nghe-tai-chinh-fintech-tai-viet-nam/


Nguyen Van Nhi